...




Kỉ niệm đẹp, ngày nào với Multiply!





Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

Bài giảng môn Lịch sử của Ta như vậy có được không?

    Hồi đó tôi mới hai mươi tuổi. Với tờ quyết định bổ nhiệm nằm trong túi, tôi hăm hở đến trường trung học, nơi tôi sẽ làm thầy giáo dạy ngôn ngữ. Thoạt tiên cần phải trình diện với hiệu trưởng. Tôi sửa lại chiếc áo vét rồi bước vào phòng Hội đồng. - Tên em là gì? – Bà thư ký giận dữ liếc nhìn tôi – Chẳng nhẽ em không biết rằng học sinh không được vào phòng Hội đồng hay sao?

    - Tôi là giáo viên mới mà – Tôi ấp úng nói và trình giấy bổ nhiệm. Bà ta thở dài đánh thượt một cái rồi mất hút vào trong phòng làm việc của hiệu trưởng. Lát sau, ông hiệu trưởng bước ra. Nhìn thấy tôi, ông giơ cả hai tay ôm lấy đầu và rên rỉ:

    - Họ nghĩ ra trò gì thế này. Họ đã phái đến cho tôi một chú nhóc khi mà tôi cần một anh chàng rắn rỏi để có thể trị được bốn mươi con quỷ sứ bất kham ấy. Chúng sẽ xé nát anh ra từng mảnh mất thôi.


    Sau khi lập tức hiểu ngay rằng ông đã chọn không phải giải pháp tốt nhất để cổ vũ tôi, ông bèn vỗ vai tôi và mỉm cười:

    - Anh có đúng là hai mươi tuổi không? Tôi thì cứ nghĩ anh mới mười sáu. Xin lỗi, trông anh giống một học sinh năm thứ hai chứ không phải thầy giáo. Và anh quả thật đã tốt nghiệp trường trung cấp sư phạm à?

    Tôi liền trình ông các giấy tờ của mình để ông yên tâm.

    - Thôi được. Chúa sẽ phù hộ cho anh và cho tôi – Ông hiệu trưởng thốt lên – Anh sẽ nhận lớp mà cho đến nay chưa có ai trị nổi. Đó là một lũ quỷ sứ được vũ trang do thằng Gơveretski khét tiếng cầm đầu. Người tiền nhiệm của anh hôm qua đã cao chạy xa bay khỏi trường chúng tôi. Dọc đường, anh ta còn kịp la lên rằng anh ta sẽ không bao giờ bước chân vào lớp nữa.

    Sau đó ông hiệu trưởng cùng tôi bước ra ngoài hành lang rồi dẫn tôi đến trước một cánh cửa và bảo:

    - Lớp của anh đây này. Hãy dũng cảm lên, anh bạn của tôi. Xét cho cùng thì tất cả chúng ta đều là người trần mắt thịt cả…

    Ở phía sau cánh cửa có tiếng gầm rít và những âm thanh giống như tiếng súng máy.

    - Tôi thấy hình như chúng đang dựng chiến lũy thì phải – Ông hiệu trưởng thì thầm, vỗ vai tôi một lần nữa ra chiều thông cảm rồi đi khỏi.

    Tôi thận trọng bước vào lớp

    Các học sinh im bặt. Tôi lợi dụng cơ hội đó bước lên bục giảng. Bốn mươi cặp mắt con trai quan sát tôi một cách lơ láo và dò xét. Qua những ô cửa sổ mở rộng, nghe rõ cả tiếng lá xào xạc. Tôi lặng người đi vì hoảng sợ. Tôi nắm tay lại và không sao thốt ra được một lời nào. Bọn trẻ nhìn tôi chằm chằm, còn tôi thì nhìn chúng như người dạy thú nhìn bầy sư tử. Tôi lập tức nhận ngay ra thằng Gơveretski. Dáng người tầm thước, đầu cạo trọc lốc, hai răng cửa bị gãy, nó theo dõi tôi bằng cặp mắt của con thú dữ, tay thủ một quả cam to tướng. Giờ hành động của hắn đã điểm. Tôi hiểu được điều đó qua bầu không khí im lặng rợn người bao trùm khắp lớp học.

    Gơveretski bỗng hét lên một tiếng gì đó rồi vung tay ném quả cam vào đầu tôi. Tôi liền cúi xuống theo bản năng và quả cam bay trúng bức tường ở phía sau lưng tôi. Có lẽ đây là lần đầu tiên thằng Gơveretski ra đòn hụt. Nó nổi xung đứng bật dậy và giương khẩu súng cao su đã lắp đạn bằng viên giấy nhai nát nhằm vào tôi. Tất cả ba mươi chín chiến hữu của hắn đứng lên như theo một mệnh lệnh và nhất loạt chĩa súng cao su về phía tôi. Sự khác biệt về vũ khí của chúng với vũ khí của thủ lĩnh là ở chỗ giây cao su của Gơveretski có màu đỏ, còn dây cao su của cả bọn có màu xám. Bỗng có tiếng vo vo nghe rõ mồn một phá tan sự im lặng nặng nề. Thì ra một con nhặng xanh cỡ bự đã bay qua cửa sổ vào lớp học. Trong khi vẫn nhằm vào tôi, thằng Gơveretski đưa một mắt theo dõi con nhặng cũng như tất cả học sinh khác. Tôi thoáng nảy ra ý nghĩ rằng lúc này chúng có thể suy tính xem nên thịt thầy giáo hay giết con nhặng. Tôi biết rõ rằng đôi khi một con ruồi duy nhất cũng có thể làm cho người ta phát điên lên được.

    “Gơveretski” – Tôi phá tan bầu không khí im lặng đáng ngại. Hắn giật thót mình, tỏ ra rất ngạc nhiên vì tôi biết tên – Em có thể hạ cái con ranh kia được không?

    - Dễ ợt – Hắn đáp và nhếch mép cười. Cả lớp ồn ào hẳn lên. Những khẩu súng cao su hướng vào tôi bỗng được hạ xuống và cả bọn lúc này chăm chú theo dõi thủ lĩnh đang giương súng nhằm vào con nhặng xanh.

    Khẩu súng cao su nã một phát. Viên đạn giấy đi sượt qua chiếc bóng điện trên trần nhà nhưng con nhặng vẫn tiếp tục kêu vo vo như một chiếc phi cơ đang bay xa dần.

    Bây giờ đến giây phút hành động của tôi.

    - Đưa khẩu súng cao su đây – Tôi dõng dạc ra lệnh. Thằng Gơveretski bắt đầu chậm rãi nhai một mẩu giấy và viên tròn lại. Tôi không việc gì phải vội vã. Tôi ngắm thong thả vì biết rằng số phận sư phạm của tôi có thể sẽ phụ thuộc vào phát đạn chính xác này. “Mi phải bắn trúng” – Tôi tự nhủ.

    Tôi nã một phát. Tiếng vo vo im bặt, và con nhặng xanh từ từ rơi xuống chân tôi. Ôi, tôi biết ơn nó biết chừng nào. Nếu như có thể được thì tôi sẽ mai táng nó theo nghi thức long trọng nhất.

    - Gơveretski, tôi sẽ giữ lại khẩu súng của em – Tôi lạnh lùng nói – Và yêu cầu tất cả các em nộp vũ khí cho tôi.

    Có tiếng rì rầm nổi lên nhưng hoàn toàn không mang tính chất chống đối mà là chứa đựng sự khâm phục. Các học sinh nối đuôi nhau lần lượt tiến lại phía bục giảng và ngoan ngoãn đặt ba mươi chín khẩu súng cao su lên đó.

    Tôi thản nhiên nói với vẻ mặt tỉnh bơ:

    - Bây giờ chúng ta sẽ học cách chia động từ. Gơveretski lên bảng. Em hãy cầm lấy phấn và viết: Tôi bắn, anh bắn, nó bắn… 
--> Read more..

Bộ sưu tập...Khủng bố!

    Ui chao ! Nữ cảnh sát “khủng bố” đàn ông này, nếu đi bắt tội phạm sẽ rất dễ bắt được, vì tội phạm sẽ ngây người ra để ngắm và tiếc rẻ, không muốn chạy nữa. Vì hiếm lắm mới gặp, chứ dễ gì thấy đâu…Được chạm tay nàng là mê hồn…




















    Ng
    p th chưa , kakaka .

    Cảm ơn TG: nguyendinhsinh
--> Read more..

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

Điều Bí Ẩn Trong Tình Khúc Mùa Xuân Duy Nhất Của Đoàn Chuẩn




    Điều Bí Ẩn Trong Tình Khúc Mùa Xuân Duy Nhất Của Đoàn Chuẩn

    Trong 10 tình khúc nổi tiếng của Đoàn Chuẩn, thì có 9 tình khúc mùa thu. Duy nhất chỉ có Gửi người em gái là tình khúc mùa xuân. Gửi người em gái được viết vào mùa xuân Bính Thân (1956) và có lẽ đó là tình khúc cuối cùng mà Đoàn Chuẩn dành tặng cho một mối tình mê đắm nhất. Tình khúc viết xong đã được tài tử Ngọc Bảo thu thanh rồi phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh thống nhất. Sau khi xuất hiện, do đã được một số nhà phê bình " chăm sóc" khá chu đáo, nên tình khúc này chìm vào im lặng mấy chục năm ở miền Bắc. Tại sao lại viết rằng: " Rồi ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngờ? Thế là lạc quan tếu. Tư tưởng ấy thật không ổn cho cuộc đấu tranh của chúng ta đang rất khó khăn, cam go… Có lẽ mọi người đều nghĩ rằng qua tình khúc này, Đoàn Chuẩn muốn gửi tới người tình đã biệt xa miền Bắc vào Nam, bởi vậy, nó mới có cái tên ban đầu nguyên vẹn là Gửi người em gái miền Nam. Khi Khánh Ly hát tình khúc này ở Sài Gòn thì mới đặt lại là Gửi người em gái với những ca từ không phải của Đoàn Chuẩn.


    [media]http://kimvo.net/guinguoiemgai2_baongoc.mp3[/media]

    Thực ra, Gửi người em gái là tình khúc Đoàn Chuẩn mượn cái cớ thật của thời cuộc để gửi gắm tình ý khôn nguôi tới người mến thương mà mình đành dằn lòng chia biệt. Đấy là điều bí ẩn trong tình khúc mùa xuần duy nhất nàỵ Vậy nàng là ai?

    Sau một vài cuộc tình từ đó nảy sinh những Thu quyến rũ, Gửi gió cho mây ngàn bay, Cánh hoa duyên kiếp…, Đoàn Chuẩn nghĩ đã nguôi ngoai trong lòng, đã kín miệng những vết thương yêu. Nhưng nghiệp đời chưa cho chàng bằng an. Vết thương lại nhói buốt lúc trở trời. Hình ảnh người thiếu nữ đăng quang " vương miện thủ khoa" của cuộc thi hát do đài Pháp-á tổ chức lại làm lung lay chỗ chàng định ngồi thiền ở tuổi gần tam tuần. Có một cái gì thật mơn mởn, thật tơ non như bàn tay thần diệu vuốt qua con tim định già cỗi của chàng, khiến nó đập nhịp bồi hồi trở lại.

    Hoá ra, nàng là con gái đầu lòng của một công chức hoả xa. Kháng chiến, cha nàng là tự vệ chiến đấu nột thành. Khi rút ra chợ Đại, cha nàng mang theo nàng khi ấy mới 12 tuổi. Ở chợ Đại ít lâu, nàng phải về lại Hà Nội với mẹ để cùng mẹ chăm sóc 5 em nhỏ. Cô bé mới tuổi dậy thì đã tảo tần làm thuê, đánh máy chữ, đan áo len để có tiền góp với mẹ nuôi các em.

    Nàng đẹp kiêu sa và có giọng hát mê hồn. Nàng tình cờ được một nhạc công của Đài Pháp-á phát hiện và đưa ngay lên ngôi thủ khoa khiến Đoàn Chuẩn lập tức ngất ngư.

    Từ buổi nàng đăng quang, chàng đã tìm gặp được nàng và nàng đã hát rất hay những Lá thư, Đường về Việt Bắc, Chuyển bến… Chàng còn giúp nàng học nhạc, giúp nàng những show hát ở rạp chiếu bóng Hà Nội trước lúc chiếu phim với thù lao đặc biệt. Có show, chàng để riêng mình nàng hát. Giọng hát của nàng đầy hứa hẹn. Biết bao thanh niên Hà Nội mê đắm nàng, sẵn sàng mua hai vé để theo nàng từ rạp này sang rạp khác chỉ để nghe nàng hát. Nàng còn quá hồn nhiên nên mặc dù rất yêu chàng nhưng vẫn có lúc làm cho chàng buồn.

    Nghe tin cha mất ở vùng tự do, nàng đã khóc sưng mắt. Rồi người chú ruột là bộ đội đã cử liên lạc vào thành đón nàng ra vùng tự do vào cuối mùa xuân 1954. Đoàn Chuẩn bất ngờ chống chếnh. Chàng cảm thấy mất mát thực sư.. Chàng cô đơn đến xót xa. Chàng tin là đã mất nàng.

    Nhưng nàng không bỏ chàng. Nàng trở về khi thủ đô giải phóng. Họ gặp lại nhau gấp gáp, hối hả, như tìm lại một cái gì đó mà cả hai cùng đánh mất. Để rồi lại chấp chới đón những bi kịch đời sống sắp sửa ập xuống đè nát sự lãng mạn. Chỉ nghe phong phanh nàng có người dạm hỏi là chàng đã phát điên lên. Chàng hoàn toàn bất lực. Chàng chẳng có gì ngoài con tim yêu nàng đến muốn vỡ vụn.

    Những ngày tháng ấy, Đoàn Chuẩn dường như không phải sáng tác gì cả. Những giai điệu cứ trải theo diễn biến từng ngày của chàng với nàng: Tà áo xanh, Lá đổ muôn chiều, Vàng phai mấy lá, Chiếc lá cuối cùng… trong tập Bài hát bị xé. Tình khúc Đoàn Chuẩn lúc này như không để hát lên mà là để khóc nức cho sự thương tổn. Tình sử đã khép lại, nhưng những dấu yêu thì đâu đã tàn phai. Và sự ra đi của " tà áo xanh" ấy đã buộc Đoàn Chuẩn phải da diết viết lên những cung bậc chót cùng trong mùa xuân cô đơn:

    Cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng
    Rừng đào phong kín cánh mong manh hé hoa lòng
    Hà Nội chờ đón Tết hoa chen người đi liễu rủ mà chi
    Đem tân xuân Hồ Gươm như say mê
    Ngàn phía đến lễ đền chạnh lòng tôi nhớ đến người em…

    Nàng thật lộng lẫy trong giai điệu Đoàn Chuẩn:

    Tôi có người em gái tuổi chớm dâng hương mắt nồng rộn ý yêu thương
    Đôi mắt em nói nhiều, tha thiết như dáng Kiều ôi tình yêu…

    Bài hát viết theo khúc thức ba đoạn A - B - A mà Cung Tiến và sau này là Trịnh Công Sơn thường sử dụng viết tình khúc. Trước Gửi người em gái, Văn Cao đã viết Suối mơ với khúc thức ấỵ Cái lạ là Đoàn Chuẩn viết nhạc mang hơi hướng phương Tây song ở đoạn B của Gửi người em gái lại có câu thơ lục bát rất dân tộc:


    [media]http://kimvo.net/guinguoiemgai2_baongoc.mp3[/media]

    Người đi trong dạ sao đành
    Đường quen lối cũ ân tình nghĩa xưa

    Nàng còn được đặt ở một góc nhìn tình tứ hơn:

    Em tôi đi mầu son lên đôi môi
    Khăn san bay lả lơi trên vai ai
    Trời thắm gió trăng hiền
    Hà Nội thêm dáng những nàng tiên

    Phải nói rằng Gửi người em gái miền Nam đã ẩn chứa trong ấy đầy đủ bóng dáng của người tình bí ẩn được vẽ lên trong nỗi nhớ thương đến ngẩn ngơ.

    Cảm ơn TG http://duongkhue.multiply.com
--> Read more..

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

Nhớ 20/11 Tặng Vợ Bicon!

     (Chôm về tặng Vợ nhân ngày 20/11)

    Vợ tôi cũng đã từng làm giáo viên thời bao cấp! Thương chồng, bộ đội xa nhà, đã phải chuyển ngành sư phạm, tình nguyện vào lính để gần chồng, chăm sóc gia đình.

    Nhưng mỗi năm đến ngày 20/11, nàng lại bồn chồn, hạnh phúc khi nghe thấy tiếng chuông điện thoại reo lên: Em chúc mừng CG nhé, nhân ngày 20/11!

    Cô giáo đã là sỹ quan QĐNDVN, vẫn nghẹn ngào trả lời: Cô cảm ơn các em, lâu quá rồi, cô chẳng còn nhớ bản Giáo án nào nữa! Nhưng cô vẫn nhớ đến các em trong thời kì bao cấp vất vả, cô vẫn nhận được quà của các em! Cô vẫn giữ những tấm thiệp, sổ tay nho nhỏ có những dòng chữ nắn nót của các em....năm nào....

    Năm nay....các Cô giáo cùng thời với Vợ tôi, lại quây quần bên nhau nhớ lại...các em học trò nho nhỏ năm xưa trên tầng 17 của ngôi nhà chọc trời giữa Hà Nội.

    Tôi là lính, là con rể ngành giáo dục VN năm xưa, xin chúc mừng ngày lễ của các Cô, các Thầy (Trong đó có vợ Tôi)- Mong các Thầy Cô luôn vui, hạnh phúc và luôn vì ....Học Trò vì Tương Lai của Đất nước!

    Tội Copy bài viết Nhớ Nghề sau tặng lại cho các Thầy, Cô! Cảm ơn TG đã viết bài này rất cảm động và cần thiết nhân ngày 20/11 năm nay....

    Vừa trèo vào mạng, màn hình hiện một lời chào: “Em là Hà, học trò của cô”. Ngực bất chợt cồn lên một làn hơi nóng. Cứ tưởng vào tuổi này nội lực sống đã ít nhiều thâm hậu, lòng dễ dàng bình thản mà sao vẫn dễ xôn xao!


    Cô bé, có thể gọi như thế không nhỉ, khi người viết cho tôi giờ đã là người đàn bà ngoài tuổi ba nhăm.

    Hơn mười năm qua như một giấc mơ dài. Tỉnh dậy tưởng cuộc đời vẫn thế. Vì học trò học dăm ba buổi mà vẫn nhớ thầy. Và cái tình với nghề nghiệp cũ mà thật ra buổi đầu mình không chọn hóa ra vẫn âm ỉ trong lòng. Vẫn nhớ cảm giác gần như là xuất thần, đến mức mũi cay xộc lên tưởng chừng có một giọt lệ nóng bỏng nào đang muốn trào ra khi đọc cho những người trẻ tuổi một câu thơ vượt thời gian, hay khi bắt gặp giữa bài làm của học trò, giữa những dòng viết khuôn sáo có phần ngô nghê một điều gì rất thật muốn vượt ra ngoài khuôn sáo.

    ***

    Thời tôi đi học chẳng khác bao nhiêu thời tôi đi dạy. Làm nghề dạy học, lại dạy văn như tôi trong điều kiện như thế mà còn đánh động được ở học trò tình yêu văn chương thật sự thì phải nói chẳng dễ. Nói không nghĩ, nghĩ không nói, bao nhiêu thầy cô dạy văn đã tự đẽo gọt mình đi theo phương châm này. Sau này khi gặp lại học trò, nghe những lời học trò kể về mình, tôi tự nghĩ chắc bao nhiêu thành công nghề giáo của mình bắt đầu từ:

    1- Sự may mắn được tiếp cận từ khi còn bé với những tác phẩm văn chương đích thực (nhiều tác phẩm hồi ấy còn bị cấm).

    2- Sự thành thật, chỉ nói những gì mình tin (điều nói có thể sai, nhưng nhất quyết không phải là nói dối).

    3- Đã gặp một vài người thầy cực kỳ đáng trọng về chuyên môn, về nhân cách. Một vài may mắn “phụ gia” khác là về được một trường lấy chuyên môn làm đầu, học trò giỏi và lại lọt vào tốp 4, tức là nhóm giáo viên dạy chuyên văn trung học phổ thông Hà Nội, được làm việc với những đồng nghiệp đáng mặt thầy mình, giàu tuổi và giỏi nghề.

    Vậy học trò tôi không hẳn là học trò tôi. Họ là học trò của thầy tôi, của văn chương muôn đời. Tôi được hưởng lộc học trò nhớ và mến là vì lẽ đó.

    Còn họ được gì từ văn chương, từ thầy tôi qua tôi?

    ***

    Năm ngoái về thăm nhà, vô tình tôi gặp lại trò cũ. Gần 13 năm xa, đường Hà Nội lúc lên đèn rối rít người xe, làm sao cô học trò lại nhận ra cô giáo cũ qua dáng tôi lập cập qua đường (lập cập không phải vì già, mà vì chưa quen lại với thành phố quê hương hừng hực nhịp sống với tôi hoàn toàn lạ lẫm).

    Học trò nhận ra cô giáo, còn cô phút giây đầu ngớ người không biết người đàn bà xinh đẹp đang mừng rỡ ríu rít cô cô em em, lại còn rút điện thoại di động gọi tới tấp cho bà mẹ báo tin “cô con đã về”, cho bạn bè cùng lớp nhắn “cô đây rồi mày ơi”, cho cả ông bồ rằng: “Em về muộn hôm nay. Em vừa gặp lại cô giáo cũ của em mà em vẫn hay kể đấy”.

    Từ cuộc gặp ngẫu nhiên, thầy trò tôi đã có một cuộc họp lớp tưng bừng ở một nhà hàng. Thiếu một đôi gương mặt. Một cậu kỹ sư xây dựng không có mặt trong buổi họp lớp, nhưng đáp xe từ tận Quảng Ninh nơi cậu có công trình đang thi công về thăm tôi từ chiều hôm trước.Ngồi giữa đám học trò cũ giờ chẳng còn gì có thể phân biệt được với cô giáo nếu nhìn bằng mắt cận thị như tôi, sao mà nhớ những ngày thầy trò đầm ấm quá.

    Những ngày tôi làm việc với một ý thức rõ ràng rằng mình không giỏi hơn học trò, mình chỉ là người hơn học trò vài ba tuổi nên học được trước một đôi điều, và cả đám học trò ngồi kia nghe mình giảng sẽ là thầy của mình không hôm nay thì ngày mai. Đi học không cần sợ thầy nhưng đi dạy biết sợ trò hóa ra cần thiết lắm. Nó buộc người thầy phải học, phải sống sao cho xứng với cái danh ông thầy bà cô trót nhận ở người đời.

    ***

    Khoảng cách mười năm tuổi tác ngày xưa đã là nhỏ thì giờ chẳng còn bao ý nghĩa khi thầy trò gặp lại. Hỏi thăm đời sống, trò cũng như cô hoặc hơn cô, người đời riêng êm ấm đúng chuẩn mực xã hội, người ly dị, người đang yêu hoặc đang yêu lại. Hỏi thăm nghề nghiệp, cả lớp chuyên văn ngày ấy chỉ có ba người còn dính thật sự đến chữ nghĩa văn chương. Còn lại, người làm cho sứ quán hoặc công ty, nhà băng nước ngoài, người làm công chức nhà nước, nói chung đều khá giả và có địa vị xứng với học vấn và tuổi tác.

    Nhưng khi lòng những người đàn ông, đàn bà từng trải dù còn rất trẻ đó vẫn hàm giữ bao nhiêu yêu thương khát khao ngày cũ, ngay chẳng cứ trò, đến thầy vẫn còn rất đỗi ngây thơ trước cuộc đời, thì chẳng phải là họ vẫn đang sống ít nhiều khác đời chăng? Đời sống của họ nhẹ nhàng hơn hay nặng nề hơn vì phương cách sống ấy. Văn chương qua cách thức cảm hiểu mà mình đã tiếp nhận được từ những người thầy đáng trọng và chuyển giao cho họ ghì họ xuống mặt đất này với những tình cảm rất bình thường như thế là dở hay hay?

    Tôi tự hỏi, khi nhớ cậu học trò kỹ sư xây dựng nói rằng cậu nhất định phải đáp xe về thăm tôi chỉ để nói với tôi một lời: “Ngày trước cô bảo em hãy sống thật sự cuộc đời mình, em đã làm như vậy”. Cậu không biết ngày đó tôi đã nói với cậu điều tôi vẫn dạy chính mình từng ngày. Người đàn ông trẻ là cậu học trò từng làm tôi ngại bậc nhất vì viết rất hay, viết như không một ai có thể dạy cậu viết hay như thế. Nhưng cậu lại mê nghề xây những ngôi nhà.

    Hôm trước, trên một diễn đàn của học trò Trường Hà Nội - Amsterdam nơi tôi từng làm việc, tôi đọc được một dòng buồn của cô học trò lớp chuyên Nga vừa gửi lời chào tôi trên mạng. ...Trăng trung thu như một cái khuy vỏ trai đính vào lòng giếng trời... Từ chỗ cô ngắm trăng, bị quây chặt bởi những ngôi nhà khấp khểnh bancông, bầu trời chỉ còn như thế.

    Trong lòng giếng của đời sống dễ mà khó, vất vả từng ngày để khẳng định mình mà còn thăng hoa được như vậy, văn chương quả xứng với muôn đời. Trong nghĩa này, văn chương qua cây cầu giáo học không dừng lại ở chữ nghĩa, mà là một định hướng sống cho tất cả ai còn muốn mãi ngây thơ giữa cuộc đời này.

    Ai?


--> Read more..