...




Kỉ niệm đẹp, ngày nào với Multiply!





Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Chảy nước...miếng....!

 



Mùa nhót chín, những chiếc xe đạp buộc cái mẹt ở yên sau chon chót toàn nhót đỏ nhức răng. Tôi dặn mẹ mua cho một túi nhót chín và không quên làm cả gói muối ớt giã dập.


 Mở cặp, cất khéo túi nhót vào ngăn bàn  vẫn không lọt qua nổi tia nhìn của Chung.
- A...khà... có nhót hở? Ra chơi nhé.
Tôi  gật đầu rồi ra hiệu cách mài phấn nhót cho Chung. hehe...khàkhà... Sao ghét điệu cười của những quả nhót thế!
Trường đi qua bàn tôi cười khơ khơ:
- Ăn mảnh phải không... nhớ phải có phần đấy không chốc nữa hỏi toán đếch bảo cho đâu.
 Lườm là sở thích của tôi, lườm ngay:
- Đừng có mà dọa nhé. Yên trí, yên trí...     

Hai tiết liền với giờ ra chơi, cô văn nghỉ chẳng biết lý do khiến cả lớp ồn lên như lũ ong non bị động tổ. Những quả nhót chín nhấm nháy nhau  chuồn nhanh.
"Chỗ cũ nhé!"
Thắng đeo vội cái kính - 0,5 diop vào chạy ngay ra nhà để xe, Chung và Trường lục túi khoắng chìa khóa xe đạp. Tôi, Hà, Vân lần lượt đi ra.  Trọng, Ngân, Khương, Hoa mải lo học không chịu đi. Ừ, thế thì thiệt cho biết.
Bác bảo vệ với cặp kính trễ trên sống mũi lẩm bẩm mở cổng:" Nhiều đứa quên vở ở nhà thế nhỉ?".
Những quả nhót chúm chím muốn nhảy chân sáo theo mỗi bước chân của lũ học trò. Những vòng xe quay nhanh, gió hồ thổi mát rượi. Hàng phượng lá xanh đùa chơi cùng gió, xe đạp lên hết dốc rồi quay đầu bon bon đổ xuống.
Cỏ non xanh gợn tận bờ nước hồ thân quen.
Chung vuốt mái tóc bác học ngồi xuống thảm cỏ. Trường vươn vai rất khoan khoái khi nhìn những xiên nắng vàng . Cầm một nắm gạch nhỏ  trong tay cứ thế Trường lia xuống  mặt hồ tự nhân tạo nên những  vòng sóng nhỏ to chíu chíu. Tôi bảo:
- Ném ít thôi, cá sợ chạy đi hết thì sao.
Trường bĩu môi:
- Có mà cá... tôm nhiều chứ cá phải đi xa hơn cơ.
 Thắng nghiêm chỉnh:
- Đừng ném, Trường...phải bảo vệ môi trường chứ. Mà hết việc chưa?... có cả túi nhót đang chờ kia kìa các bố  ạ.
Tôi, Hà, Vân khoác vai nhau đi loanh quanh chẳng thấy mỏi mệt gì.
Đúng lúc ấy, hai chíêc xe đạp không cần chuông cũng biết đang đi đến. À. Tụi mê học hơn mê chơi cũng dám dứt ghế để đi hở. Ngân, Hoa nhảy xuống xe để cho Trọng, Khương tự chống chân dựng xe vào nhau.
Hà trêu ngay:
- Thế không học  bài nữa à? Ra đây làm gì?
Trọng quát lại:
 - Học ? Học gì? Vớ vẩn thật...cô chủ nhiệm gọi lên văn phòng ...bố bảo cũng không dám chuồn đi ngay được.
Hà thừa biết cái tính hay giả vờ quát to của Trọng, càng cười trêu tợn.
Tôi khua tay:
- Tôi xin, tôi can...Nhót đây, mời.
Vân chọn ra rồi đưa nhót cho từng người . Tụi con giai lười không chịu mài phấn thành thử bọn con gái cứ hai tay hai quả nhót chà sát khắp hai bên vạt áo. Thèm quá, tay nặn nhót cho mềm rồi chấm muối ớt đưa lên miệng mút. Vị ngọt, chua thanh nhẹ của nhót chín quả là rất hợp với tuổi ô mai, chanh cốm.
Hoa chiến đấu xong bốn quả nhót thì  tạm ngừng:
- Này...chuẩn bị tinh thần chọn trường chưa các cậu?
Cả bọn nhao nhao lên:" Mình chọn Tổng hợp", "Quân sự trên hết", " Bách khoa cao vòi vọi tớ vẫn thích nhất", " Kiến trúc cơ"... loạn cào cào, tranh nhau thích. Những hạt nhót nằm chơ vơ trong túi rác,cả hội lục tục lấy xe về lớp. Sóng hồ chầm chậm vỗ bờ, nhà thuyền dập dờn.

Mùa thi, mùa phượng về. Học thi toát mồ hôi, lòi cả mắt ra nhưng ai cũng muốn đạt được ước mơ  nên chẳng quản thân mình. Sau đó, mỗi đứa  đi học một nơi.
Có đứa học xa tít tận nước ngoài, đứa học trong nước nhưng đến sinh nhật của từng quả nhót là lại có cách liên lạc hỏi thăm chúc mừng nhau rất cảm động. Chúng nó quan tâm đến cả tiếng hắt hơi, xổ mũi của nhau nữa ý chứ.

    Hai mươi năm có lẻ. Mùa nhót chín năm nay, có hẹn mà nên: Vân, Hà, Hoa, tôi cùng về thăm phố Nhô.
Không để đâu cho hết chỗ vui. Vẫn là những gương mặt cũ, những tình cảm cũ dù cho thời gian đã khắc thêm vài nét vào phía đuôi mắt.
Chiếc xe 15 chỗ ngồi chạy qua vùng ngoại ô. Buổi dã ngoại thân thiết làm cho cả hội lại được dịp hàn huyên, kể lể mọi thứ về cuộc sống  hằng ngày.
Trường đắc ý  đá lông mày:
- Hồi ấy...suýt nữa tôi ăn nhót cả hột, may mà không ai biết.
Tôi cười trêu :
- A...thế sao không nuốt luôn  để  bây giờ trong bụng ông Trường có sẵn một cây nhót, quả chín ửng rồi .
  Chung ngả người ra sau cất giọng khe khẽ: " Con kênh xanh xanh những chiều êm ái lướt trôi..." Trường, Thắng, Hà cùng hòa theo" Đêm đêm trăng lên..."
Vân cầm máy ảnh 10 chấm lên bấm tanh tách. Trọng, Ngân, Khương, Hoa, Tôi ngồi yên để nghe lời ca mượt mà  bay bổng trong gió đồng quê...

Chuyện về những quả nhót chín có thế thôi nhưng đối với mỗi đứa thì đều là cả khoảng thời gian đẹp nhất gắn bó đầy ắp kỷ niệm. Tôi viết chuyện này trong khi vừa mới bày ra đĩa những quả nhót đầu mùa chín đỏ, có tiếng nhạc báo của điện thoại.
Số máy của một quả nhót hiện lên, đợi tí nào...

15 nhận xét:

  1. Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp tiết Thanh minh, gia đình tôi lại tổ chức viếng mộ bố tôi (Năm nay thêm cả bố Vợ tôi nữa!). Trên Yên Kì Bất Bạt luôn thấy các bà nông dân rao bán rổ Nhót, cuối xuân. Trông rất ngon và ....Vị chua chua, ngòn ngọt, lẫn vị chát của những quả nhót hình thon thon đang mùa chín rộ.

    Chảy nước miếng!

    Phải nói rằng nhót là loài cây có sức dẻo dai, kiên trì và chịu đựng. Thân và cành tuy mảnh dẻ là thế nhưng dẫu mùa đông lạnh giá, sương muối hay oằn mình trong cơn bão, sấm sét trút xuống vẫn không hề rụng lá, trơ cành, vẫn bám trụ và chờ cuối xuân nắng ấm lại nở hoa. Những chùm hoa nhót nhỏ xinh, cánh trắng mịn như lụa, chỉ đến khi héo, rụng hết cánh thì những quả nhót nhỏ xíu mới chịu nhú ra. Hằng năm, nhót cho quả vào độ tháng giêng, rồi hai tuần sau nhót chín dần, những chùm quả xanh nhạt chuyển sang màu vàng tươi, đến khi đỏ rực.






    ....Và cứ thế cái vị chua dịu đặc trưng ấy mãi đọng lại trong hoài niệm của tôi. Và cũng lại thêm một lần nữa tôi thèm được chạm vào, thèm được nhấm nháp cái vị chua chua, ngòn ngọt, chát đắng trên đầu lưỡi ấy.
    Chủ nhật này tôi sẽ nhớ....và sẽ mua....

    Trả lờiXóa
  2. Chua an qua Bicon oi! Thang Tu con co qua nay kg?

    Trả lờiXóa
  3. Tháng tư chắc còn đấy! Chắc chỉ có ...con gái thích thôi....

    Trả lờiXóa
  4. Chua lắm . Lúc còn nhỏ thì ăn được , Bây giờ không thể ăn nổi . Trước khi ăn Bống hay chà trái nhót lên quần cho tróc vảy trắng ra và bóp cho mềm mới ăn

    Trả lờiXóa
  5. Và sau đấy chấm với ...Mắm tôm mới...Sành điệu! Quần phải là quần ...Láng nhé...

    Trả lờiXóa
  6. Quả này có màu đỏ tươi đẹp quá, mình chưa thấy bao giờ. Ăn làm sao?

    Trả lờiXóa
  7. Hỏi Bống chuyên gia ăn Nhót xanh+chín tại Hải Phòng những năm bé tí ti...
    Hồi nhỏ, mẹ Bi đi chợ mua cho ít quả Nhót chín. Muốn ăn Nhót, phải mài quả nhót vào ....quần, vì trên quả nhót có nhiều hạt lấm tấm, rất nhám. Bi chỉ mài vào quần đen của hai bà chị Bi. Phải mài đi mài lại, đến khi quả nhót hết các hạt lấm tấm đó (Tất nhiên ống quần đen đã bám đầy hạt tấm vảy của nhót rồi...), mới đem chấm với muối ớt hay với mắm ...Tôm....Cũng rất độc đáo và quyến rũ các cô cậu Teen....

    Trả lờiXóa
  8. Mùa nhót chín-Cảm hứng....Nhót cuối mùa

    Những quả nhót chín đã trở thành món quà quê quen thuộc từ thủa nhỏ với bất cứ ai. Chả thế mà cây nhót đã mang ẩn ức gợi cảm qua những vần thơ:

    Xum xuê chùm quả chín chen
    Kẽ răng ứa nước bỗng thèm vị chua
    Yêu sao cây nhót đến mùa
    Chín như nỗi nhớ tuổi thơ học trò

    Nhót là loài cây thường trồng bằng cành chiết từ cây to đã trồng được hai, ba năm hơn là trồng bằng hạt sẽ lâu mọc. Cây nhót hay trồng ở trong vườn, sân nhà hoặc nơi gần bờ tường, để khi cây mọc cao, trả nhiều cành, nhánh vươn dài có thể ngả ngựa vào bờ tường nâng đỡ. Khi cây lớn khoảng 1,5m trở lên sẽ đâm nhiều cành non và nẩy nhiều nhánh lá rậm xanh toả bóng râm mát.


    Hoa nhót nhỏ, cánh trắng mịn như giấy. Khi hoa héo rụng hết cánh, từ những đài hoa, những quả nhót xanh non, nhỏ, xinh nhú dậy được cây nuôi dưỡng ngày một to dần. Nhót có hai loại cây cho quả khác nhau: Một loại cho quả tròn, ngọt hơn, một loại cho quả dài, chua hơn. Đến thì quả to, ngả chín, những chùm quả xanh nhạt mầu ngọc bích chuyển sang vàng tươi màu nắng xuân, rồi chín mọng, đỏ thắm mầu hồng tiết. Khắp lùm cây, những chùm năm, bẩy quả chín chi chít, xum xuê khắp cành la, cành bổng, trông tươi, vui đẹp mắt khách nào những chùm bóng đèn điện nhỏ, xinh, nhiều màu treo trên cành khẽ đung đưa, la đà theo gió xuân ghẹo đùa, mơn trớn.
    Hàng năm, cây nhót bói quả vào tháng giêng, quả nhiều, to chín rộ vào tháng hai âm lịch, rồi mùa nhót ngắn ngủi. Chóng lụi tàn rụng lá héo vàng. Khi ấy, người trồng dùng dao đốn, chặt bỏ đi những nhánh cỗi đã cho quả và những cành già khô, cạn nhựa sống, để đến mùa nhót sang năm lại đâm chồi, nẩy lộc, mọc ra những cành non mới. Với năm, ba quả nhót xanh tươi hoặc chín vàng cũng như ở thành phố một món ăn đậm đà vị ngọt ngon, chua dịu của những bát canh nấu với thịt nạc hoặc sườn lợn vào những ngày nắng hanh, khô ráo. Nhót còn là thứ quà để ăn vặt, luôn hấp dẫn đối với những thiếu phụ và phụ nữ mang thai thường khát thèm ăn dở của chua, cũng như con gái thường ưu thích.
    Nhót chín được bầy bán ở các mẹt, rổ của các bà, các chị bán hàng quà, hàng nước và các hàng quẩy gánh bán rong ở các chợ quê và chợ phố Hà Nội. Những năm xưa, thủa tôi còn nhỏ, sống ở làng quê. Vườn nhà tôi có một cây nhót to lâu năm, do ông nội tôi trồng lúc sinh thời. Cây nhót tươi tốt, lá rườm rà cho rất nhiều quả. Những buổi cắp sách đến trường, tôi không quên mang theo đầy trong túi áo, túi quần những quả nhót chín chia cho các bạn học cùng lớp. Những buổi trưa nắng, đánh trâu ra đồng chăn, thả, tôi mang theo chùm nhót đỏ mọng. Thấy tôi, các bạn trẻ chăn trâu cùng xóm đến ngắt lấy những quả nhót mân mê xát nhẹ vào ngực áo hoặc cánh tay áo cho những mảng vẩy trắng nhỏ li ti, bám ở quanh quả bong ra và cắn ăn chấm với muối tinh và trộn bột ớt khô đựng trong mảnh giấy gói được xé ra từ quyển vở học cũ, bữa ăn nhót vui nhộn ấy, được bọn trẻ chăn trâu chúng tôi coi như một bữa tiệc linh đình của người lớn.
    Ôi mùa nhót đến khiến lòng tôi bồi hồi, xốn xang với những hoài niệm tuổi thợ..

    ST

    Trả lờiXóa
  9. Nhót chín không phải rao. Các thiếu nữ nhìn thôi đã bắt mắt. Mà đâu chỉ là những nữ sinh tuổi teen, hồn nhiên, thấy nhót là reo lên mà sà đến, xúm lại, mà mua, mà chọn, giá bao nhiêu trả ngần ấy. Những thiếu phụ, y phục mùa hè khá diện, đang rong xe máy, dù Dream hay SH, Dylan, hay Vespa, thấy hàng nhót cũng dừng lại, mua hàng túi mang về...

    Nhót là quà của phụ nữ, những bàn tay búp măng chọn nhót phải nói là “tấp nập”. Có cô đang chọn phải dừng tay, bởi trái nhót phổng phao, mọng chín, hấp dẫn quá, cô phải nhón lên một quả xát vào tay áo. Người bán hàng nhìn cô, mỉm cười và bảo:

    - Em nếm đi!

    Tiếng xuýt xoa:

    - Nhót của chị trông thôi đã thèm rồi?

    Cô xát nhót, xát đến đâu, lớp bụi phấn nhỏ rời quả, in lên cánh tay áo. Bụi phấn nhót vàng ánh màu kim tuyến. Tay áo in bụi phấn nhót chợt sáng lên những mạt vàng li ti lên cánh tay áo trông mới đẹp làm sao. Thời còn đi học, tôi gọi đùa cánh tay áo có phấn nhót phủ ấy là áo cô dâu, cô nguýt tôi một cái dài, sau lại cười. Cũng từ buổi nhìn nhau, trêu chọc nhau vì mấy quả nhót ấy, mà chúng tôi thân nhau, thành bạn của nhau mãi sau này.

    Nhót là quà của học trò con gái. Mùa nhót chín, lúc ra chơi, khi tan lớp, mấy cô bước ra khỏi lớp, khỏi trường là một loạt túi quả nhót từ cặp, từ túi moi ra. Tốt năm, tốp ba túm tụm vào nhau, cô ở giữa cầm gói muối, mấy cô ở hai bên tả hữu, tay nhao nhao xát nhót, nặn nhót, chấm muối ớt đưa lên môi mút nhẹ, để cái vị nhót vừa chua, vừa ngọt rất quyến rũ thấm vào miệng, thưởng thức thứ quả ngon cuối xuân đầu hạ... Đám học trò con trai, đứa nào trông thấy, thèm quả, thèm cả cái cách ăn quả của đám con gái, có khi phải nuốt nước miếng nhìn theo.

    Có cậu không đừng được, chìa tay xin. Anh nào tếu táo, bậm trợn thì giở cái trò lừa lừa rồi... cướp giật. Quả nhót cướp được, ăn sướng lắm, khoái lắm. Nhìn cậu chàng giật được trái nhót, chạy lảng ra một chỗ, giơ quả nhót lên thèm lem đám bạn mình rồi từ từ chén, mút quả nhót mới ngon điệu bộ làm sao!

    Trả lờiXóa
  10. Có lẽ ở quê tôi, nhót không phải là thứ quả đặc sản nhưng khi nhót đã chín rộ, các bà, các mẹ vẫn bứt xuống xếp đầy thúng và mang quang gánh ra chợ bán. Từng thúng, từng thúng được xếp đầy. Nhìn cả thúng nhót chín đỏ mà lũ học trò chúng tôi ứa nước bọt.

    Nhót chín rất nhanh, chỉ độ trong vòng một tháng là hết mùa.

    Trả lờiXóa
  11. Chữa bệnh bằng trái nhót:
    -Kinh nghiệm dân gian dùng lá nhót làm thuốc chữa lỵ trực khuẩn, tiêu chảy. Thuốc làm ức chế mạnh sự phát triển của các chủng Shigella shiga và Shigella dysentenae. Tác dụng làm săn, sát khuẩn chính là do thành phần tanin có trong lá với tỷ lệ cao. Dùng lá tươi (20-30g) hoặc lá khô (6-12g), thái nhỏ, sao vàng, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày. Có thể dùng dưới dạng thuốc bột. Dùng riêng hoặc phối hợp với vỏ cây chân danh (đỗ trọng nam) với liều lượng bằng nhau.

    Lá nhót phơi khô giòn, tán bột, hòa với nước cơm uống chữa hen suyễn lâu năm.
    -Quả Nhót: Vị chua, chát, tính bình. Có tác dụng thu liễm, trừ ho suyễn (chỉ khái bình suyễn), chống chảy máu (chỉ huyết). Dùng chữa tiêu hoá kém (tiêu hoá bất lương), lị, ho suyễn, băng huyết, sán khí, trĩ lở loét (trĩ sang). Liều dùng: 9 - 15g.
    -Lá Nhót: Vị chua, tính bình, vô độc. Dùng chữa các chứng phế hư khí đoản, khái thấu khí suyễn, khái huyết, ung nhọt… Liều dùng: 9 - 15g khô (20 - 30g tươi).
    -Rễ cây Nhót: (thường đào vào tháng 9 - 10, phơi khô dùng dần): Vị chua, tính bình. Có tác dụng chỉ khái, chỉ huyết, trừ phong thấp, tiêu tích trệ, lợi yết hầu. Dùng chữa các chứng bệnh ho suyễn, thổ huyết, khạc ra máu, đại tiện ra máu, kinh nguyệt quá nhiều, phong thấp khớp xương đau nhức, hoàng đản, tả lỵ, trẻ nhỏ cam tích, yết hầu sưng đau… Liều dùng: 9 - 15g khô (30 - 60g tươi) sắc với nước hoặc ngâm rượu uống. Dùng ngoài: sắc với nước để rửa.
    - Chữa các chứng ho nói chung: Lá Nhót tươi 30g, sắc với nước, thêm chút đường và uống.
    - Lao phổi ho ra máu: Lá Nhót tươi 24g, đường 15g; dùng nước sôi hãm như nước trà; ngày uống 2 lần sau bữa ăn.
    - Nhọt độc phát ở sau lưng (hậu bối), các vết thương chảy máu: Lá Nhót tươi, rửa sạch, giã nát, đắp vào chỗ bị bệnh.
    - Bị ong đốt, rắn cắn: Lá Nhót tươi rửa sạch, giã nát vắt lấy nước cốt với rượu uống, còn bã đem đắp vào chỗ bị bệnh.
    - Thổ huyết, đau họng khó nuốt: Rễ cây Nhót 30g sắc với nước uống (Trung thảo dược thủ sách).
    - Phong hàn phế suyễn (phát cơn suyễn do bị nhiễm lạnh): Rễ cây Nhót 30g, đường đỏ 15g, sắc nước uống sau bữa ăn cơm.
    - Nôn ra máu, khạc ra máu, đại tiện ra máu, kinh nguyệt quá nhiều: Rễ cây Nhót 30 - 60g, sắc nước uống sau bữa ăn cơm.
    - Phong thấp đau nhức: Rễ cây Nhót 120g, Hoàng tửu 60g, chân giò 500g, đổ nước vào nấu kỹ, thành món chân giò hầm; ăn thịt và uống nước thuốc.
    - Hoàng đản (vàng da): Rễ cây Nhót 15 - 18g, sắc nước uống
    - Phụ nữ sau khi đẻ đau bụng, ỉa chảy ra toàn nước trong kèm theo đồ ăn không tiêu hoá (hạ lị): Dùng rễ cây Nhót 60g, đường đỏ 30g, sắc nước uống.
    - Sản hậu phù thũng: Rễ cây Nhót, ích mẫu thảo, mỗi thứ 12g, sắc nước, thêm chút đường đỏ vào uống.
    - Thấp chẩn (eczema): Rễ cây Nhót một nắm (vùng da bị bệnh rộng thì tăng thêm), sắc nước rửa chỗ bị bệnh.

    Heeeeeeee Năm nay Bi đi Tảo mộ không mua Nhót được, vì ...trong chợ Nghĩa Trang Yên Kì ...không có....Huuuuuuuu

    Trả lờiXóa